Cách lắp đèn LED âm trần đơn giản, an toàn trong 5 phút

03/11/2022

Cách lắp đèn LED âm trần tùy thuộc vào từng loại và việc lắp mới hay thay cũ. Trên thị trường hiện có 2 loại đèn LED âm trần là loại bộ nguồn (driver) liền và loại bộ nguồn (driver) rời, mỗi loại có cách lắp khác nhau. Tham khảo bài viết để biết cách lắp đặt chi tiết nhé!

Xem thêm: Những điều bạn cần biết khi mua đèn LED âm trần cho không gian của mình

1. Dụng cụ cần chuẩn bị trước khi lắp đèn LED âm trần

Trước khi tìm hiểu cách lắp đèn LED âm trần, bạn cần chuẩn bị những vật dụng sau:

  • Bộ sản phẩm đèn LED âm trần: Đèn, bộ nguồn (đối với đèn âm trần bộ nguồn rời), dây dẫn, lò xo cố định đèn.
  • Bút thử điện.
  • Kìm điện.
  • Băng dính điện.

Lưu ý: 

  • Trường hợp đã có vị trí lắp đèn sẵn, không cần khoan cắt trần và kéo hệ thống dây dẫn, bạn chỉ cần chuẩn bị những dụng cụ ở trên. 
  • Trong trường hợp chưa có lỗ khoét trần, hệ thống điện, bạn có thể nhờ các bên thi công để đảm bảo an toàn, thẩm mỹ.

Các vật dụng hỗ trợ việc lắp đèn LED âm trần thành công

Các vật dụng hỗ trợ việc lắp đèn LED âm trần thành công (Nguồn: internet)

2. Cách lắp đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) rời với 4 bước

Cách lắp đèn âm trần có bộ nguồn gồm 4 bước sau:

Bước 1: Ngắt nguồn điện

  • Ngắt nguồn điện tại aptomat, cầu dao.
  • Dùng bút thử điện thử xem đầu dây còn điện không.
  • Cần kiểm tra đèn trước xem có hỏng hóc không và xác định điện áp của đèn để cấp điện áp phù hợp.

Bước 2: Đấu nối bộ nguồn (driver) với nguồn điện

  • Đưa bộ nguồn (driver) lên lỗ khoét trước.
  • Dùng kìm để bóc phần vỏ dây điện.
  • Tiến hành đấu nối dây điện driver với bộ nguồn.
  • Quấn băng keo cách điện.

Lưu ý:

  • Bóc 1 đoạn dây vừa phải để đấu nối, tránh thừa quá nhiều gây chập, cháy nổ. Nếu lỡ bóc quá nhiều, bạn hãy cắt bớt.
  • Đấu nối chắc chắn, tránh qua loa khiến dễ đứt dây.
  • Quấn băng keo vừa phải, tránh quấn quá mỏng dễ gây chập cháy.

Bước 3: Đấu nối bộ nguồn (driver) với đèn LED âm trần

Bạn đấu nối trực tiếp đèn LED âm trần với đầu còn lại của bộ nguồn rồi dùng băng dính cách điện quấn vào mối nối. Lưu ý đưa đúng khớp và quấn băng keo phủ kín để tránh chập cháy gây mất an toàn. 

Đơn giản hơn, bạn có thể dùng đầu nối để kết nối đèn LED âm trần với đầu còn lại của bộ nguồn.

Bước 4: Lắp đặt đèn LED âm trần

  • Để tai lò xo hướng về phía đế đèn LED âm trần tạo thành góc 90 độ.
  • Đẩy đèn LED âm trần vào lỗ khoét cho đến khi viền của đèn áp sát trần nhà.
  • Sau khi tai cài tự động bật sang hai bên, bạn kiểm tra xem đèn LED đã nằm chắc chắn trên trần chưa.
  • Bật công tắc kiểm tra độ sáng và góc chiếu.

Cách lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) rời

Cách lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) rời (Nguồn: internet)

3. 3 Bước hướng dẫn lắp đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) tích hợp

Cách lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) tích hợp đơn giản hơn đèn LED âm trần nguồn rời. Cụ thể, bạn chỉ cần lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn tích hợp theo 3 bước sau:

Bước 1: Ngắt nguồn điện

Bạn ngắt nguồn điện và dùng bút thử điện để kiểm tra còn điện không. Nếu bút điện sáng nghĩa là vẫn còn điện, bạn cần kiểm tra lại hệ thống. Nếu bút không sáng nghĩa là an toàn, bạn có thể tiến hành lắp đặt đèn LED âm trần.

Bước 2: Đấu nối đèn LED âm trần với nguồn điện 

  • Đưa đèn vào vị trí cần lắp và cho bộ phần nguồn (gồm LED driver và phần dây dẫn) lên trước.
  • Đấu nối nguồn dây đèn với nguồn điện bằng 1 trong 2 cách: Nếu đèn LED âm trần không có chân xoáy, bạn dùng kìm bóc vỏ dây điện, đấu nối dây đèn với dây dẫn điện và lấy băng cách điện bọc mối nối. Nếu đèn LED âm trần có chân xoáy, bạn xoáy chân đèn theo chiều kim đồng hồ vào phần đui.

Đèn LED âm trần bộ nguồn (driver) tích hợp có 2 cách đấu nối với nguồn điện

Đèn LED âm trần bộ nguồn (driver) tích hợp có 2 cách đấu nối với nguồn điện (Nguồn: internet)

Bước 3: Lắp đèn LED âm trần

  • Mở lò xo vuông góc 90 độ.
  • Đẩy đèn theo hướng thẳng đứng vào lỗ khoét đến khi bề mặt đèn đã nằm sát trần nhà, tai cài đẩy sang hai bên để cố định đèn.
  • Bạn bật công tắc và kiểm tra.

Cách lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) tích hợp

Cách lắp đặt đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) tích hợp (Nguồn: internet)

4. Cách thay đèn LED âm trần để thay đèn mới

Trong trường hợp đèn LED âm trần bị hỏng, bạn có thể thay đèn mới theo 3 bước dưới đây:

Bước 1: Ngắt nguồn điện

Bạn ngắt nguồn điện và dùng bút thử điện kiểm tra để đảm bảo an toàn.

Bước 2: Tháo đèn LED âm trần cũ

  • Bạn cầm vào hai bên viền đèn LED âm trần, kéo nhẹ ra khỏi lỗ khoét, hướng xuống dưới 
  • Lấy tay bóp 2 bên tai cài của đèn LED âm trần đang nằm phía trong trần cho thu lại, tạo thành 1 góc 90 độ so với đế rồi lấy bóng ra.
  • Bạn tháo đèn LED ra khỏi bộ nguồn bằng cách bỏ băng keo, gỡ mối nối dây điện hoặc bỏ đầu nối giữa dây đèn và dây nguồn.

Lưu ý: Bạn chỉ cần tháo đèn LED ra khỏi bộ nguồn, không cần tháo chỗ kết nối giữa bộ nguồn (driver) với nguồn điện. Nếu bộ nguồn cũ bị hỏng, bạn mới cần tháo ra khỏi nguồn điện để sửa chữa/thay mới.

Bước 3: Lắp đèn LED âm trần mới

  • Đấu giắc cắm của đèn mới với bộ nguồn.
  • Lắp đèn LED âm trần mới vào vị trí lỗ khoét của đèn âm trần cũ. Cách lắp đặt đèn LED âm trần tương tự như khi lắp mới ở trên.
  • Cấp lại nguồn điện và kiểm tra độ sáng của đèn.

Cầm hai bên viền đèn LED âm trần cũ kéo nhẹ nhàng hướng xuống dưới sàn

Cầm hai bên viền đèn LED âm trần cũ kéo nhẹ nhàng hướng xuống dưới sàn (Nguồn: internet)

5. Kinh nghiệm lắp đèn LED âm trần

Bên cạnh cách lắp đèn LED âm trần ở trên, khi lắp đặt, bạn cũng cần chú ý một số kinh nghiệm sau:

  • Chất liệu trần nhà: Bạn kiểm tra chất liệu trần nhà (trần thạch cao hay trần thả, trần gỗ) để lên phương án lắp đặt (chuẩn bị dụng cụ khoan đục trần) phù hợp. Đối với trần thạch cao mềm hơn nên có thể dùng dao khoét lỗ, trần gỗ cứng lên cần dùng máy khoan cắt và đối với trần bê tông thì phải lắp thêm lớp trần giả.
  • Vị trí lắp đặt hợp lý: Lắp đèn LED âm trần ở vị trí khô ráo, thoáng mát. Tránh lắp ở nơi ẩm ướt, gần thiết bị tỏa nhiệt mạnh, đèn chùm trang trí, quạt trần vì có thể ảnh hưởng đến độ bền, tuổi thọ và khả năng chiếu sáng của đèn. 
  • Lắp đèn phù hợp với chiều cao của trần nhà: Nếu trần nhà cao 2,5 – 3,5 m, bạn nên lắp đặt đèn LED âm trần dưới 12W. Trường hợp trần nhà cao 3,5 – 4 m, bạn lắp đèn LED âm trần 12 – 15 W. Còn trần nhà cao trên 4m, lắp đèn LED âm trần trên 15 W là phù hợp.
  • Lựa chọn màu ánh sáng hợp lý: Tùy nhu cầu sử dụng, bạn có thể chọn đèn LED âm trần ánh sáng vàng, trung tính hoặc trắng. Trong đó, ánh sáng vàng ấm cúng phù hợp với các không gian nhà ở, sinh hoạt. Ánh sáng trắng rõ nét thích hợp với không gian làm việc, cần sự tập trung cao. Còn ánh sáng trung tính tự nhiên, dịu nhẹ, phù hợp với mọi không gian.

Lựa chọn, lắp đặt đèn LED âm trần với công suất, màu sắc ánh sáng, vị trí hợp lý để đảm bảo tính thẩm mỹ

Lựa chọn, lắp đặt đèn LED âm trần với công suất, màu sắc ánh sáng, vị trí hợp lý để đảm bảo tính thẩm mỹ và hiệu quả chiếu sáng (Nguồn: internet)

Trên đây là cách lắp đèn LED âm trần theo từng trường hợp. Tùy theo việc sử dụng đèn LED âm trần có bộ nguồn (driver) rời hay tích hợp, lắp mới hay thay thế cái cũ, bạn có thể áp dụng từng cách làm ở trên.

Trong quá trình lắp đèn LED âm trần, nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Phenikaa Lighting theo số hotline 1900 3336 để được hỗ trợ.