Hướng dẫn cách tính công suất đèn LED phù hợp với từng không gian

19/11/2022

Hiểu rõ cách tính công suất đèn LED cho một không gian sẽ giúp bạn chọn được loại đèn phù hợp để đáp ứng tốt nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm chi phí tiền điện. Vậy cách tính này cụ thể ra sao, mời bạn cùng Phenikaa tìm hiểu ngay dưới đây!

1. Cách tính công suất đèn LED đảm bảo ánh sáng hài hòa, tiết kiệm điện

Công suất là đơn vị thể hiện mức tiêu hao điện năng trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù công suất không phải là thước đo độ sáng của đèn LED, nhưng hai đại lượng này lại tỷ lệ thuận với nhau. 

Khi bố trí đèn LED trong nhà, việc xác định cách tính công suất đèn LED cần dùng sẽ đảm bảo không gian được chiếu sáng hài hòa và tiết kiệm điện năng sử dụng. 

Biết cách tính công suất đèn LED sẽ giúp bạn bố trí ánh sáng trong không gian hài hòa, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Biết cách tính công suất đèn LED sẽ giúp bạn bố trí ánh sáng trong không gian hài hòa, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (Nguồn: internet)

Bước 1: Xác định loại đèn, số lượng phù hợp

Trước tiên, dựa theo mục đích chiếu sáng, phong cách thiết kế nội - ngoại thất và yếu tố giá cả, bạn hãy xác định loại đèn LED cần có và số lượng đèn cần bố trí sao cho phù hợp nhất. 

Xác định loại đèn

  • Với mục đích chiếu sáng môi trường: Bạn cần tới nguồn sáng có độ rọi cao, góc chiếu rộng, ánh sáng tỏa ra đồng đều khắp không gian. Theo đó, bạn có thể lựa chọn các loại đèn sau:
    • Đèn LED ốp trần, đèn LED âm trần: Phù hợp cho nhà ở, trung tâm thương mại, cửa hàng, văn phòng,... đặc biệt là những khu vực có trần nhà thấp giúp tiết kiệm diện tích, tạo cảm giác rộng rãi hơn cho không gian. 
    • Đèn panel: Lắp đặt phổ biến cho các khu vực có diện tích vừa và lớn như tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp.
    • Đèn LED tuýp: Dùng được cho cả nhà ở, văn phòng, trường học, cửa hàng, khu công nghiệp. 
  • Với mục đích chiếu sáng tập trung: Ánh sáng chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ nhằm phục vụ cho một chức năng nhất định, do đó bạn cần những loại đèn có góc chiếu hẹp:
    • Các loại đèn LED thả trần (đèn spotlight thả trần, đèn LED bulb có mũ chụp): Ánh sáng hướng xuống giúp chiếu sáng các khu vực như bàn ăn, quầy bar, bàn đọc sách…
    • Đèn LED spotlight: Dùng để làm nổi bật nét đẹp của một vật thể, hoặc tôn lên những đường nét thiết kế độc đáo trong kiến trúc nội thất.
  • Với mục đích chiếu sáng trang trí: Ánh sáng trang trí có tác động lớn về mặt cảm nhận thị giác, được sử dụng chủ yếu để tăng vẻ thẩm mỹ cho không gian và thu hút sự chú ý của người nhìn. Do đó các loại đèn phù hợp mà bạn nên cân nhắc gồm: 
    • Đèn chùm LED trang trí, đèn treo mặt dây chuyền, đèn bàn nghệ thuật: Là những loại đèn có thiết kế cầu kỳ tinh xảo, có tác dụng tạo điểm nhấn lung linh cho một không gian nhất định. 
    • Đèn LED dây, đèn hắt khe: Giải pháp trang trí lý tưởng cho các kệ tủ, quầy bếp, khe trần, khe tường.

Mỗi loại đèn đều có chức năng khác nhau nên bạn cần xác định rõ loại đèn nào sẽ được bố trí trong không gian cho phù hợp

Mỗi loại đèn đều có chức năng khác nhau nên bạn cần xác định rõ loại đèn nào sẽ được bố trí trong không gian cho phù hợp

Xác định vị trí và số lượng

Để đảm bảo không gian có lượng ánh sáng đầy đủ và hài hòa, việc xác định số lượng đèn và vị trí lắp đặt trong phòng cũng rất quan trọng. Bạn cần chú ý tới các yếu tố sau:

  • Dựa vào thiết kế kiến trúc không gian để chọn vị trí, số lượng lắp đèn phù hợp. Cần lưu ý, đối với các căn phòng có trần nhà cao, hoặc nội thất dùng tông màu tối làm chủ đạo (màu nâu, màu gỗ, xám, xanh đen…) thì sẽ cần nhiều đèn LED hơn so với phòng có trần nhà thấp hoặc nội thất sáng màu. 
    • Tại phòng khách, ngoài lớp ánh sáng môi trường, bạn nên bố trí thêm lớp ánh sáng trang trí. Chẳng hạn, nếu trên tường có tranh ảnh nhỏ, có thể lắp đèn spotlight gắn tường ở vị trí ngay trên đầu bức ảnh. Nếu bức tranh khổ lớn thì nên lắp dàn spotlight rọi ray ở trên trần và chiếu hướng xuống vật thể. 
    • Trong khu bếp sẽ cần nhiều ánh sáng tập trung để phục vụ nấu nướng và ăn uống, loại đèn được lựa chọn phổ biến là đèn LED thả trần. Vị trí treo đèn cần ở ngay trung tâm của khu vực được chiếu sáng (giữa bàn ăn, giữa quầy bar…), không để đèn quá gần bếp lửa hoặc gần cửa tủ bếp vì dễ gây vướng víu. 
    • Tại phòng ngủ, bạn có thể lắp đối xứng 6 đèn âm trần và bố trí đèn led thả trần ở hai bên đầu giường.
  • Nên chọn số lượng đèn chẵn để có sự cân đối về nguồn sáng và đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn phòng. 
    • Căn phòng khách nhỏ có diện tích chỉ 15m2 thì nên lắp 4 -6 đèn LED âm trần. Các đèn được bố trí theo 2 hàng đều nhau, giúp ánh sáng lan tỏa đồng đều. 
    • Phòng họp lớn có diện tích 70m2 và trần cao tới 4m thì có thể lắp 10 đèn tuýp LED. 
  • Cân nhắc giá thành các loại đèn trên thị trường và dựa theo mức ngân sách hiện có để quyết định số lượng lắp đặt. 

Bước 2: Tính toán diện tích phòng

Sau khi xác định vị trí và số lượng đèn LED. Bạn cần tính toán diện tích phòng để xác định lượng ánh sáng cần thiết cho không gian. 

Bạn có thể tự áp dụng công thức tính diện tích hình vuông, chữ nhật, hình tròn… cho các căn phòng có hình dạng tương tự. Riêng đối với các phòng có hình thù bất thường, hãy chia nhỏ từng khu vực thành một hình dạng xác định (ví dụ tham khảo dưới ảnh), sau đó tính diện tích theo từng khu rồi cộng tổng lại với nhau. 

Đối với phòng không xác định được hình dạng, để tính được diện tích của chúng thì hãy chia nhỏ không gian thành từng khu vực riêng.

Đối với phòng không xác định được hình dạng, để tính được diện tích của chúng thì hãy chia nhỏ không gian thành từng khu vực riêng (Nguồn: internet)

Bước 3: Tính toán quang thông yêu cầu

Việc tính toán lượng quang thông cần thiết sẽ giúp căn phòng của bạn có đầy đủ ánh sáng, đáp ứng được các chức năng sinh hoạt, làm việc và không gây hại mắt. Quang thông có liên hệ mật thiết với công suất bởi hai yếu tố này sẽ quyết định hiệu quả năng lượng của hệ thống đèn là tốt hay kém. 

Như vậy để có cách tính công suất đèn LED thì trước đó ta cần xác định lượng quang thông cần dùng của một căn phòng, dựa theo công thức dưới đây:

Quang thông = Diện tích phòng * Độ rọi / Số lượng đèn cần thiết

Trong đó, độ rọi (lux hoặc lx) là tổng lượng quang thông (độ sáng) chiếu sáng trên một bề mặt diện tích. Tùy theo chức năng mà mỗi loại không gian sẽ yêu cầu nguồn sáng có mức độ rọi khác nhau. 

Để đảm bảo hệ thống chiếu sáng trong nhà đạt chuẩn thì độ rọi ở các khu vực cần phải tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật về ánh sáng, cụ thể:

  • Phòng khách >= 300 lux
  • Phòng ngủ: >= 100 lux
  • Phòng bếp, phòng ăn >= 500 lux
  • Nhà vệ sinh >= 200 lux
  • Cầu thang, hành lang, ban công >=100 lux
  • Tầng hầm, gara để xe >= 75 lux
  • Trường học >= 300 lux
  • Văn phòng làm việc >= 400 lux
  • Tiền sảnh, phòng chờ >= 200 lux

Để có cách tính công suất đèn LED chính xác, bạn bắt buộc phải biết độ rọi và mức quang thông cần thiết cho không gian

Để có cách tính công suất đèn LED chính xác, bạn bắt buộc phải biết độ rọi và mức quang thông cần thiết cho không gian

Bước 4: Ước lượng công suất cần thiết

Sau khi đã xác định được loại đèn phù hợp và mức quang thông cần thiết cho một căn phòng, bạn có thể dựa vào đó để chọn loại đèn LED có công suất phù hợp. Dưới đây là bảng ước lượng mức công suất dựa theo quang thông của từng loại đèn, mời bạn tham khảo:

Lưu ý cho người đọc: Bảng quy đổi được thực hiện dựa trên các sản phẩm đèn LED Phenikaa.

Công suất đèn LED âm trần

Đèn LED âm trần là loại sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhờ mức công suất khá thấp:

Quang thông 

Công suất 

400 - 450lm

5W

600 - 700lm

7W

850 - 900lm

9W

1100 - 1200lm

12W

Công suất đèn LED ốp trần

Công suất đèn LED tròn và đèn LED vuông ốp trần lớn hơn so với các loại đèn âm trần:

Quang thông 

Công suất 

1300lm

15W

1600lm

18W

2000 - 2400lm

24W

Công suất đèn LED panel

Với lượng ánh sáng mạnh, đèn LED panel cũng yêu cầu công suất cao hơn so với các loại đèn downlight âm trần và ốp trần. 

Quang thông 

Công suất 

4000lm

40W

Công suất đèn LED tuýp 

Công suất đèn LED 1m2 và đèn LED 0.6m khá đa dạng, phụ thuộc vào quang thông của từng sản phẩm như sau:

Quang thông 

Công suất 

800lm

8W

900lm

9W

1600lm

16W

1800lm

18W

2000lm

20W

Công suất đèn LED bulb

Đèn LED bulb là dòng sản phẩm đáp ứng mức công suất rất đa dạng, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng:

Quang thông 

Công suất 

300 - 320lm

3W

540 - 580lm

5W

750 - 880lm

7W

1000 - 1200lm

9W

1320lm

12W

1570lm

15W

2000 - 2250lm

20W

3000 - 3200lm

30W

4000lm

40W

5350lm

50W

Công suất đèn LED spotlight

Dựa theo quang thông, công suất đèn LED spotlight chủ yếu nằm ở mức 10W - 20W:

Quang thông 

Công suất 

880 - 940lm

10W

2000 - 3800lm

20W

3200 - 3800lm

30W

Công suất đèn LED dây

Cách tính công suất đèn LED dây còn phụ thuộc vào chiều dài của dải LED. Chẳng hạn công suất đèn LED dây 12V có độ dài 1m là 9.6 W. Tuy nhiên nếu bạn dùng dây LED dài 5m thì tổng công suất tiêu thụ sẽ tăng lên gấp 5 lần. 

Tham khảo công suất đèn LED dây:

Quang thông

Công suất

144

8W

560

9W

1152

14W

Lưu ý: Quang thông và công suất trong bảng được tính trên 1m dây led. 

2. Ví dụ thực tế về cách tính công suất đèn LED

Để hiểu rõ hơn về công thức tính công suất đèn LED, dưới đây là một số ví dụ cụ thể dành cho bạn đọc. 

Ví dụ 1: Xác định công suất đèn LED phù hợp cho phòng khách trần thạch cao có chiều dài là 6.5 m và chiều rộng là 3m. Căn phòng yêu cầu ánh sáng có độ rọi 400 Lux.

Cách tính công suất đèn LED trong trường hợp này được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định loại đèn, số lượng đèn.

Phòng khách trần thạch cao có không gian khá nhỏ, như vậy bạn nên lựa chọn đèn LED âm trần cho khu vực này để tiết kiệm diện tích, lắp đặt 6 đèn để đảm bảo đủ ánh sáng. 

  • Bước 2: Tính toán chính xác diện tích căn phòng.

Diện tích phòng = chiều dài x chiều rộng = 6.5 x 3 = 19.5 (m2)

  • Bước 3: Tính toán quang thông cần thiết.

Quang thông/1 đèn = (Diện tích x độ rọi)/ số lượng đèn = (19.5 x 400)/6 = 1300lm

  • Bước 4: Ước lượng công suất để quyết định sản phẩm phù hợp. 

Với tính toán trên, mỗi chiếc đèn trong phòng khách cần 1300lm ánh sáng, tương đương với mức công suất 12W. Theo đó bạn có thể chọn Đèn LED Phenikaa downlight âm trần tròn 12W DL03 để lắp đặt cho phòng khách. 

Phòng khách diện tích khoảng 20m2 phù hợp lắp đèn downlight âm trần công suất 12W, phát ra 1300lm ánh sáng.

Phòng khách diện tích khoảng 20m2 phù hợp lắp đèn downlight âm trần công suất 12W, phát ra 1300lm ánh sáng

Ví dụ 2: Xác định công suất đèn LED phù hợp cho phòng họp trần thạch cao có chiều rộng 5m, chiều dài 8m. Căn phòng yêu cầu ánh sáng có độ rọi 400 lux. 

Đối với trường hợp này, cách tính công suất tiêu thụ của bóng đèn như sau:

  • Bước 1: Xác định loại đèn, số lượng đèn

Phòng họp hình chữ nhật có diện tích vừa và thiết kế trần thạch cao, bạn có thể lắp đặt 4 đèn panel hình chữ nhật để đảm bảo nguồn sáng đạt chuẩn. 

  • Bước 2: Tính toán diện tích căn phòng

Diện tích phòng họp = 8 x 5 = 40 (m2)

  • Bước 3: Tính toán lượng quang thông cần thiết cho mỗi bóng đèn. 

Quang thông/1 đèn = (Diện tích x độ rọi)/ số lượng đèn = (40 x 400)/6 = 4000lm

  • Bước 4: Ước lượng công suất và quyết định mẫu đèn phù hợp.

Theo tính toán, mỗi chiếc đèn trong phòng họp cần 4000lm ánh sáng, tương đương mức công suất phù hợp là 40W. Như vậy bạn có thể chọn Đèn LED Panel vuông 40W PN03 của Phenikaa để lắp đặt cho khu vực này. 

Phòng họp 40m2 cần lượng quang thông 4000lm, tương đương mức công suất cần thiết là 40W

Phòng họp 40m2 cần lượng quang thông 4000lm, tương đương mức công suất cần thiết là 40W (Nguồn: internet)

3. Cách tính tổng công suất tiêu thụ đèn LED và tiền điện mỗi tháng

Ngoài việc xác định loại đèn LED phù hợp để sử dụng, biết cách tính công suất đèn LED còn giúp bạn nắm được mức tiêu thụ điện năng của các bóng đèn, từ đó suy ra được mức chi trả tiền điện hàng tháng là bao nhiêu. 

Để xác định số tiền điện hàng tháng, trước tiên bạn cần tính được tổng công suất tiêu thụ điện 1 tháng. Công thức tính như sau:

Tổng công suất tiêu thụ 1 tháng = (Số lượng đèn x Công suất x 0.001) x (Số giờ sử dụng 1 ngày x 30) 

Cách tính tiền điện hàng tháng:

Tiền điện = Tổng công suất tiêu thụ 1 tháng * Đơn giá 

Ví dụ: Phòng khách trong nhà bạn có diện tích 20m2, lắp 6 bóng đèn downlight âm trần 12W. Mỗi ngày, đèn hoạt động 4 tiếng đồng hồ. 

Trước tiên, ta tính tổng công suất tiêu thụ của 6 bóng LED trong 1 tháng.

Tổng công suất tiêu thụ 1 tháng = (6 x 12 x 0.001) x (4 x 30) = 8.64 kWh. 

Vì bạn sử dụng điện cho nhà ở nên chi phí sẽ được tính dựa theo giá bán lẻ điện sinh hoạt của Nhà nước. Theo quy định, giá bán lẻ được định ra theo 6 bậc như sau:

Bậc giá tiền điện 

Đơn giá (đồng)

Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50

1.678

Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100

1.734

Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200

2.014

Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300

2.536

Bậc 5: Cho kWh từ 301 - 400

2.834

Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên

2.927

Giả sử hàng tháng toàn bộ hệ thống điện nhà bạn chỉ tiêu tốn 50kWh. Đối chiếu với bảng trên, đơn giá tiền điện bạn cần trả sẽ rơi vào bậc 1.

Như vậy số tiền điện chi trả cho hoạt động của hệ đèn LED là:

Tiền điện cần trả = 8.64 x 1.678 =14.500 đồng. 

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách tính công suất đèn LED cần thiết để lựa chọn loại đèn phù hợp cho từng không gian, đảm bảo đủ ánh sáng và tối ưu hiệu quả năng lượng. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về cách lựa chọn các sản phẩm đèn LED chất lượng cao và tiết kiệm điện năng, xin mời bạn liên hệ hotline 1900 3336, đội ngũ Phenikaa luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn một cách tận tình và nhanh chóng.