9 bước thay đèn LED ốp trần thường và đèn LED ốp trần truyền thống

04/11/2022

Cách thay đèn LED ốp trần nổi không quá phức tạp và bạn có thể tự mình thực hiện. Để đảm bảo quá trình tháo lắp và thay đèn diễn ra nhanh chóng, an toàn, mời bạn tham khảo hướng dẫn chi tiết của Phenikaa cho đèn LED ốp trần thường và truyền thống trong bài viết dưới đây. 

1. Dấu hiệu bạn cần thay ngay đèn LED ốp trần

Ánh sáng có tác động trực tiếp tới thị giác, tâm trạng, hiệu quả làm việc và nhất là sức khỏe con người. Do đó, hãy luôn chủ động kiểm tra hệ thống đèn LED trong nhà bạn và đảm bảo chúng hoạt động với nguồn sáng ổn định. Khi bóng đèn gặp một trong những dấu hiệu dưới đây thì bạn hãy thay mới ngay, đừng đợi đến lúc đèn không còn phát sáng được nữa:

  • Ánh sáng của đèn không ổn định mà bị lập lòe, nhấp nháy liên tục, bóng đèn tóe lửa như sắp nổ. Lúc này hãy kịp thời tháo đèn cũ và thay đèn mới để bảo vệ thị giác cho người nhìn, đồng thời phòng tránh các nguy cơ cháy nổ, chập điện.
  • Đèn bị ngấm nước nhưng chỉ số bảo vệ thấp, không có khả năng chống nước có thể gây chập cháy linh kiện bên trong.
  • Độ sáng của đèn không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, đèn quá tối so với ban đầu. 

Trên thị trường hiện có hai loại đèn LED ốp trần: đèn ốp trần thường và đèn ốp trần truyền thống. Cách thay thế từng loại đèn sẽ được hướng dẫn chi tiết ngay dưới đây. 

2. Cách thay đèn LED ốp trần thường

Đèn LED ốp trần thường là loại sản phẩm phổ biến nhất hiện nay. Đèn có kiểu dáng siêu mỏng (chủ yếu dày từ 100 - 300mm), cấu tạo đèn bao gồm thanh đỡ để tạo điểm gắn cố định đèn vào trần nhà.   

Đèn led ốp trần nổi thường mang cấu tạo đặc trưng là đi kèm giá đỡ để bắt vít gắn đèn lên trần

Đèn led ốp trần nổi thường mang cấu tạo đặc trưng là đi kèm giá đỡ để bắt vít gắn đèn lên trần (Nguồn: internet)

Trước khi tiến hành thay đèn LED ốp trần thường, bạn cần chuẩn bị sẵn một bộ dụng cụ chuyên dụng gồm:

  • Đèn ốp trần siêu mỏng mới
  • Bút thử điện
  • Tua vít, kìm cắt, băng dính cách điện
  • Khoan tường
  • Thang chữ A

Sau khi đã có đầy đủ vật dụng cần thiết, bạn hãy làm theo hướng dẫn 5 Cách thay đèn LED ốp trần  như sau:

Cận cảnh toàn bộ quy trình lắp đèn ốp trần thường có thanh đỡ

Cận cảnh toàn bộ quy trình lắp đèn ốp trần thường có thanh đỡ

Bước 1: Ngắt nguồn điện

  • Ngắt nguồn điện tại aptomat, cầu dao.
  • Để đảm bảo nguồn điện đã ngắt hoàn toàn, hãy chạm đầu bút thử điện vào jack cắm điện, nếu đèn trên bút thử điện không sáng thì chứng tỏ không có dòng điện chạy qua và đã an toàn. 

Bước 2: Tháo đèn

Cách tháo bóng đèn LED tròn và LED vuông rất đơn giản. Bạn hãy bắc thang chữ A để dễ dàng với tay lên đèn và thực hiện các bước sau: 

  • Dùng tua vít tháo phần ốc vít cố định đèn cũ với thanh đỡ.
  • Tháo giắc cắm kết nối đèn với bộ nguồn (LED Driver).
  • Tháo bộ nguồn ra khỏi đầu nối dây điện chờ âm trần. 

Bước 3: Nối bộ nguồn của đèn LED mới với nguồn điện

  • Dùng kìm để bóc phần vỏ dây điện trên bộ nguồn để lộ ra một đoạn lõi. 
  • Tiến hành đấu nối dây của bộ nguồn vào nguồn điện chờ đặt đèn. 
  • Quấn băng keo cách điện cho bộ nguồn. 

Lưu ý:

  • Chỉ bóc 1 đoạn dây điện vừa phải để đấu nối với dây điện chờ, tránh để thừa quá  nhiều lõi sẽ dễ gây chập, cháy nổ. Trường hợp bạn lỡ bóc quá nhiều thì hãy dùng kéo cắt bớt phần lõi thừa.
  • Đảm bảo bộ nguồn được đấu nối chắc chắn với dây điện chờ, không làm qua loa, lỏng lẻo dễ khiến dây bị đứt làm đèn không thể hoạt động.
  • Quấn băng keo vào bộ nguồn với độ dày vừa phải, không quấn quá mỏng dễ gây chập cháy.
  • Nếu đèn chỉ bị hỏng bộ nguồn, bạn có thể mua một riêng bộ nguồn tương tự để thay thế và không cần phải thay thân đèn, cách thay nguồn cũng tương tự các bước trên.

Bước 4: Cố định đèn trên thanh đỡ

  • Cắm giắc cắm đèn của đèn vào bộ nguồn.
  • Đặt bộ nguồn vào bên trong bộ đèn.
  • Cố định đèn vào thanh đỡ bằng ốc vít thật chắc chắn.

Lưu ý:

  • Trước khi lắp đèn lên, cần kiểm tra thanh đỡ đã được gắn chắc chắn vào trần hay chưa.
  • Nếu đèn mới không cùng kích thước với đèn cũ, bắt buộc phải tháo cả thanh đỡ cũ ra và lắp thanh đỡ mới. Trước khi lắp thanh đỡ mới, hãy cẩn thận lấy dấu dấu và khoan lỗ trên trần nhà, sau đó bắt vít ở hai đầu giá để cố định chúng vào bề mặt trần. Thực hiện bước này trước khi đấu nối bộ nguồn LED vào dây điện chờ. 

Bước 5: Kiểm tra hoạt động của đèn

  • Bật lại aptomat.
  • Bật công tắc và kiểm tra độ sáng của đèn.

Như vậy là bạn đã hoàn thành xong các bước thay đèn LED ốp trần thường chỉ trong 5 bước đơn giản.

3. Cách thay đèn LED ốp trần truyền thống

So với đèn LED ốp trần thường, các sản phẩm đèn LED ốp trần truyền thống kém phổ biến hơn trên thị trường. Loại đèn này có cấu tạo đơn giản hơn vì không sử dụng thanh đỡ. Thay vào đó, phần mặt đáy đèn sẽ được bắt vít để gắn trực tiếp vào trần nhà.

Đèn LED ốp trần truyền thống không sử dụng thanh đỡ mà bắt vít gắn trực tiếp đáy đèn lên trần nhà

Đèn LED ốp trần truyền thống không sử dụng thanh đỡ mà bắt vít gắn trực tiếp đáy đèn lên trần nhà (Nguồn: internet)

Vì có sự khác biệt trong cấu tạo nên cách thay đèn LED ốp trần truyền thống cũng không giống với đèn ốp trần thường. 

Trước khi tháo lắp, hãy chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ gồm:

  • Đèn ốp trần mặt nhựa mới.
  • Bút thử điện.
  • Tua vít, kìm cắt, băng keo cách điện.
  • Thang chữ A.

Sau đó, hãy tiến hành thay đèn LED ốp trần truyền thống với 4 bước đơn giản:

Cận cảnh cách thay đèn LED ốp trần truyền thống (không có thanh đỡ)

Cận cảnh cách thay đèn LED ốp trần truyền thống (không có thanh đỡ) (Nguồn: internet)

Bước 1: Ngắt nguồn điện

  • Ngắt nguồn điện tại aptomat, cầu dao.
  • Sử dụng bút thử điện để kiểm tra xung quanh đèn còn dòng điện không.

Bước 2: Tháo đèn cũ

  • Xoay nhẹ mặt nhựa của đèn và tháo bộ phận này ra khỏi đế.
  • Dùng tua vít mở ốc vít cố định đèn với trần nhà.
  • Tháo bộ nguồn LED Driver ra khỏi dây điện chờ.
  • Dỡ phần đế đèn còn lại ra khỏi trần nhà.

Lưu ý: Trước khi tháo nguồn, hãy dùng bút thử điện để kiểm tra xung quanh đèn còn điện không.

Bước 3:  Đấu nối đèn với nguồn điện

  • Dùng kìm bóc phần vỏ dây điện của bộ nguồn đèn LED để lộ ra một đoạn lõi.
  • Đấu nối dây điện chờ trên trần với phần lõi dây điện đã bóc tách.
  • Quấn băng keo cách điện cho bộ nguồn.
  • Cắm giắc cắm đèn vào giắc cắm của bộ nguồn. 
  • Bật aptomat và công tắc đèn để kiểm tra xem đèn đã sáng chưa.

Lưu ý: 

  • Mối đấu nối dây điện phải chắc chắn, nếu còn thừa lõi điện thì phải cắt bỏ. 
  • Nếu băng keo cách điện quấn quanh bộ nguồn LED quá mỏng, quá sơ sài thì sẽ gây chập cháy. 

Bước 4: Cố định đèn

  • Dùng tua vít để bắt ốc vít và cố định đế đèn LED vào trần nhà.
  • Xoay mặt đèn theo chiều kim đồng hồ để vặn chặt mặt vào phần đế.
  • Kiểm tra độ sáng của đèn một lần nữa để chắc chắn đèn hoạt động ổn định. 

Lưu ý: 

  • Trong quá trình lắp mặt nhựa vào đế, bạn chỉ cần dùng lực xoay vừa đủ và xoay khoảng 2-3cm, cho đến khi cảm thấy đèn đã được lắp đặt chắc chắn. Tuyệt đối không vặn đèn quá mạnh bởi động tác này có thể làm vỡ mặt đèn.
  • Nếu đèn LED mới có kích thước không giống đèn cũ, lúc này bạn phải lấy dấu và khoan các lỗ bắt vít trên trần nhà. Sau đó mới cố định đế đèn lên bề mặt đã được khoan. 

Như vậy, cách thay đèn LED ốp trần nổi khá nhanh chóng và đơn giản. Tùy theo loại đèn sử dụng là đèn ốp trần thường hay đèn ốp trần truyền thống, bạn có thể áp dụng hướng dẫn như trên bài viết là sẽ đảm bảo thành công. Ngoài ra, trong quá trình tháo lắp đèn LED ốp trần, nếu có vấn đề cần tư vấn, hãy liên hệ hotline 19003336 để được đội ngũ Phenikaa hỗ trợ tận tình.